|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Làng xóm của Hoà Sơn được tạo lập từ rất xa xưa. Những người dân quê gốc ở đây đã cùng với những người dân Thanh Hoá, Hưng Yên, Hải Dương, Mai Đình (Hiệp Hoà) Yên Phong (Bắc Ninh)... đoàn kết gắn bó với nhau từ bao đời, sinh cơ lập nghiệp và lập nên làng xã. Các hộ dân trong xã Hoà Sơn sống quây quần bên nhau nhau thành một khối thống nhất ở ven chân núi Y Sơn và trên những khu đất cao ven đê sông Cầu. Cư dân trong xã từ xưa đã quây quần tụ họp nhau sống ở các làng Thù Sơn 1 (hay còn gọi là làng Hương Sơn hoặc Hương Trù), Thù Sơn 2 (còn gọi là Hợp Đồng) và Thù Cốc (gọi là Hoà Tiến). Xã Hoà Sơn có 40 dòng họ có tổ chức và sinh hoạt chặt chẽ: Họ Hoàng, họ Nguyễn, họ Dương, họ Ngọ, họ Tạ, họ Trịnh, họ Ngô, họ Trương, họ Hồ, họ Chu, họ Phí, họ Trần, họ Đỗ, họ Tô, họ Đông, họ Phạm, họ Phan, họ Bùi, họ Đặng, họ Đinh, họ Vũ và họ Cáp... 

Phần lớn nhà ở của người dân xã Hoà Sơn được xây theo hướng Nam và Đông Nam. Các nhà được làm sát với nhau theo chòm xóm, bởi họ có xu hướng liên kết chặt chẽ, đối phó với lu lụt, chống hạn, nạn trộm cướp và ngoại xâm. Đó chính là lối liên kết làng xóm cổ truyền của người Việt.

Hoà Sơn có nhiều xứ đồng mang những tên cổ. Các xứ đồng có tới hàng trăm tên như: Đồng Lầy, Dọc Chùa, Cầu Sa, Chân Chim, đồng Thuyền, Hẩy Giỏ, Đồng Chằm, đồng Trạng, Cửa Ngang, Cửa Chùa, Vườn Tre, Nội Tiêu, Ao Quà, đồng Đầu Làng, Cây Bún, Mỏ Phượng, Đồng ải, Con Voi, đồng Bướm, Lò Ngói, đồng Núi, Gò Lều, gò Duối, Gốc Thông, Bờ Khố, Cửa Khính, Cây Trám, Bồ Đề, Trằm Vân, Cửa Đình, Cây Si, đồng Nấm, Đồng Hồ, Hồ Tù, Cây Hoè, Cổ Cò, Giếng Đục, Dộc Bạt, Dộc Quế, Ao Chùa, Tam Quan, Cây Mai, Sang Đàng, Nội Móng, Quan Điền, đồng ấp, đồng Hủng, Ô Thuốc, Ba Lá, Cầu hóp, Dộc Găng, đồng Chùa Trên, đồng Chùa Dưới, Giếng Chằm, Cây Si, ổ Gà, Ra Cầu, Đồng Trạng, Đá Bùa, Cây Bún, Chợ Ya, Đồng Núi, Đình Rỡ, Dộc Bạt... Đây là những tên cổ đã xuất hiện từ xa xưa và còn giữ nguyên vẹn cho đến nay.

Người dân Hoà Sơn lấy nông nghiệp trồng trọt làm nguồn sống chính. Từ các cụm dân cưư dần hình thành cố kết lại với nhau thông qua quá trình khai phá đất đai và xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi tạo nên làng, xóm. Ngoài không gian cư trú, làng có không gian trồng trọt canh tác bao quanh. Quá trình cải tạo đồng ruộng là một quá trình lâu dài nên làng mang tính ổn định rất cao.

Vấn đề ruộng đất từ xa xưa trong lịch sử đã là nền tảng tạo nên cơ cấu tổ chức của làng. Nó là cơ sở phản ánh mối quan hệ giữa các giai tầng trong xã hội, cũng là cơ sở phân biệt thứ bậc của con người xung quanh vấn đề sở hữu. Theo đó những người có sở hữu lớn hơn về ruộng đất sẽ có vai trò quan trọng trong đời sống của dân làng. Cũng giống nhu ư các làng Việt cổ khác, cư dân thôn làng thuộc xã Hoà Sơn có hệ thống tổ chức nhiều chiều đan xen nhau.

Xã Hoà Sơn xưa kia chia làm 3 thôn: Thù Sơn 1, Thù Sơn 2 và Thù Cốc. Dưới thôn là xóm, dưới xóm là ngõ. Những đơn vị tổ chức này gắn kết các hộ dân bằng tình làng nghĩa xóm và có mối liên hệ mật thiết với nhau về mặt láng giềng. Thôn và xóm là hai tổ chức hành chính khác nhau, mỗi thôn có sự quản lý hành chính riêng. Xóm không có bộ máy hành chính, song mỗi xóm đều có đặc trưng riêng về mặt tâm linh. Các xóm đều nhỏ, dân cư còn thưa vắng do đó phân bố xóm khá gần nhau, nhìn xã gần nhaư liền khoảnh, không có sự phân biệt rõ nét.

Trong làng xã, dòng họ luôn được coi trọng. Anh em trong dòng họ vốn thường sinh sống gần nhau dù đây không phải là quy định bắt buộc. Sinh hoạt dòng họ ở các thôn làng cho đến nay vẫn còn dấu chạp họ hàng năm. Trước đây, mỗi dòng họ đều có nhà thờ họ, sinh hoạt dòng họ được thường xuyên hơn. ý thức dòng họ còn đậm nét, người trong dòng họ bảo ban nhau làm ăn sinh sống, giúp đỡ nhau khi có khó khăn. Việc giúp đỡ các thành viên khi gặp khó khăn vẫn được duy trì khá đều đặn và trở thành nguyên tắc đối với mỗi thành viên trong dòng họ.

Tổ chức hàng giáp là một tổ chức quan rọng trong làng. Đây là một tổ chức tập hợp theo lứa tuổi của người đàn ông trong làng xã. Giáp được sản sinh ra như một thiết chế làm cho mỗi con người có thể thăng tiến theo con đường tuổi tác. “Sống lâu lên lão làng” - giáp được coi là tinh thần dân chủ của làng xã. Trên lý thuyết, những người con trai trong làng chỉ được gia nhập giáp khi tròn 18 tuổi. Khi đó người con trai đã trở thành một tráng đinh, có quyền tham gia các hoạt động của làng với tư cách là một thành viên chính thức. Tuy nhiên trên thực tế thì một người nam từ khi sinh ra đã thuộc về một giáp nhất định do bố mình chọn. Vào ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch hàng năm, các gia đình có con trai mới sinh sẽ mang cau trầu ra đình để làm lễ vào giáp.

Xã Thù Sơn xưa có 4 giáp là Hương Trù, Hoà Thuận, Tiên Cảnh và Trại Xuyên. Xã Thù Cốc là một giáp: giáp Thù Cốc. Ngoài ra để tổ chức lễ hội trong năm, hai xã Thù Sơn và Thù Cốc còn kết hợp với xã Mai Sơn cũng là nơi thờ đức thánh Hùng Linh Công. Xã Mai Sơn tạo thành một giáp là giáp Mai Sơn. Đó là sự phân chia hàng giáp theo hội lệ Y Sơn tổ chức hàng năm. Còn trong cuộc sống hàng ngày, tại xã Thù Sơn còn phân thành 4 giáp là giáp Đông, giáp Đoài, giáp Thượng và giáp Hạ. Xã Thù Cốc còn có hai giáp là Đầu Làng và Trại Ngoài. Các giáp có ruộng giáp riêng, chia cho các thành viên lần lượt gánh vác các công việc và các khoản đóng góp của làng xã trong dịp lễ hội và nghĩa vụ trông nom cúng tế ở éình, éền trong năm.

Đời sống của nhân dân xã Thù Sơn và Thù Cốc xưa có những nét chung về hệ thống tập tục với cả nước theo phong tục chung của người Việt. Bên cạnh đó, nó còn có những nét riêng của làng. Những luật tục đó thường bất thành văn và khi có văn tự nó được tổng hợp lại trong cái gọi là hương ước. Hương ước phản ánh tính tự trị của làng, khẳng định vị thế của làng trong bức tranh nông thôn chung. Trong nội dung huơng uớc hàm chứa nhiều thành tố, bảo vệ các giá trị đạo đức theo quan điểm Nho giáo và quan niệm đạo đức truyền thống của người Việt; đảm bảo sự thực thi của bộ máy chính quyền thôn xã. Do đó hương ước đề cập đến tất cả các mặt của cuộc sống: kinh tế, văn hoá, xã hội; nó mang tính tổng hợp các vấn đề đời sống xã hội. Bên cạnh những vấn đề đạo đức, kinh tế, chính trị, nó góp phần nâng cao vị thế của làng, là một quy ước tập thể, nó hạn chế vai trò cá nhân, đề cao vai trò cộng đồng. Hương ước vì thế mang nhiều yếu tố bảo thủ, trì trệ.

Hiện nay, người dân từng thôn làng đã chọn lọc những điều hay nét đẹp từ hương ước cũ kết hợp với tiêu chuẩn mới để xây dựng quy ước làng văn hoá cho từng thôn và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Như vậy, Hoà Sơn trong lịch sử là một cộng đồng dân cư có những thiết chế, tổ chức khá bền chặt, được thử thách trong trường kỳ lịch sử tạo nên một bề dày truyền thống. Cuộc sống nơi xóm làng với các mối quan hệ huyết thống “trong họ ngoài làng’, “phi nội tắc ngoại” đã gắn bó mọi người với nhau. Vượt ra ngoài những qui chế hạn hẹp của chế độ phong kiến, người dân Hoà Sơn gắn bó với nhau với tinh thần tương thân tương ái mang đậm tình người.

Thông báo Thông báo

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Tin hoạt động Tin hoạt động

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,920
Tổng số trong ngày: 55
Tổng số trong tuần: 161
Tổng số trong tháng: 2,966
Tổng số trong năm: 21,969
Tổng số truy cập: 52,865